Cô Lâm và những bức tranh thêu ở Nếp House

Trên mỗi bức tường, trong mỗi căn phòng ở Nếp House, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhưng bức tranh thêu về hình ảnh người nông dân và công việc đồng áng của họ. Tất cả những bức tranh thêu tinh tế ấy đều được tạo nên bởi những bàn tay khéo léo và tâm hồn sáng tạo của các cô bác phụ nữ tại địa phương. Hãy cùng Nếp House khám phá câu chuyện về những giá trị văn hóa được gìn giữ qua từng đường kim mũi chỉ tại một ngôi làng nhỏ ở Ninh Bình.

Nghệ nhân Đinh Thị Lâm – Người truyền lửa nghề thêu

Cô Lâm sinh ra và lớn lên tại làng Lãng Nội – một ngôi làng công giáo nhỏ ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi làng nhỏ này nổi tiếng với nghề thêu tay truyền thống, và ở đó, cô Đinh Thị Lâm là một trong những nghệ nhân tâm huyết nhất với hơn 45 năm tuổi nghề.

Nghệ nhân Đinh Thị Lâm bắt đầu bén duyên với nghề thêu từ khi cô còn rất trẻ. Khi đất nước còn đang trong thời kỳ bao cấp, năm ấy cô Lâm 15 tuổi, cô đã tham gia một lớp học nghề thêu do hợp tác xã địa phương tổ chức. Chính từ lớp học đó đã giúp cô tiếp cận và dần dần nuôi dưỡng đam mê với nghề thêu. Đến năm 20 tuổi,.sau khi lập gia đình, cô Lâm nhận thấy được tình hình lao động dư thừa trong làng và mong muốn giúp đỡ những người phụ nữ khác có cơ hội học nghề và kiếm sống. Vì vậy, cô Lâm quyết định mở lớp học thêu miễn phí tại nhà, vận động, khuyến khích bà con xóm làng đến lớp học thêu của mình. Không chỉ dạy học miễn phí, cô Lâm còn tự tay sắm sửa những vật dụng để dạy và học như khung, chỉ, vải, giấy để hỗ trợ cho bà con đến học tập.

Lớp học thêu của cô Lâm bắt đầu với 40 học viên đầu tiên trong làng, cô Lâm dạy cho bà con từng bước, từng kỹ thuật thêu nhỏ nhất, từ đơn giản đến phức tạp. Đến khi người học đã trở nên thành thạo, họ lại truyền đạt kỹ năng cho những chị em phụ nữ khác trong cộng đồng địa phương. Bên cạnh việc dạy học, cô Lâm còn đi lấy hàng về để bà con cùng làm. Từ những lớp học thêu nhỏ lẻ, cô Lâm không chỉ trao đi kinh nghiệm của một món nghề giúp bà con kiếm sống, mà còn lan tỏa niềm say mê cũng như góp phần duy trì nghề thêu truyền thống lâu đời của dân tộc.

Trong suốt nhiều năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Đinh Thị Lâm đã tham gia nhiều cuộc thi thêu lớn nhỏ ở trong và ngoài tỉnh và giành được nhiều giải thưởng cao quý. 

Những giải thưởng lớn mà nghệ nhân Đinh Thị Lâm đạt được trong nhiều năm làm nghề

Cô Đinh Thị Lâm không chỉ là một nghệ nhân thêu tài năng, mà còn là người truyền lửa, truyền đam mê, truyền kiến thức cho bà con trong vùng. Sự hết lòng, tận tâm của cô đã là nguồn động viên và niềm tự hào của cả làng, giúp nghề thêu trở nên phổ biến và phát triển hơn tại ngôi làng nhỏ trong suốt nhiều năm qua.

Người đi tiên phong kết nối làng nghề với phát triển du lịch địa phương

Nghệ nhân Đinh Thị Lâm đã có nhiều năm gắn bó mưu sinh với nghề thêu tay. Trước đây công việc của cô đơn thuần chỉ là làm những mặt hàng thủ công rồi bán đi các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh, nhưng hiện nay mỗi ngày cô còn dành một khoảng thời gian để “dạy nghề” cho khách du lịch, giúp họ trải nghiệm công việc thú vị này ngay trong chuyến hành trình khám phá tại Vân Long, Ninh Bình.

Cô Lâm có thể được coi như một người đi tiên phong làm cầu nối giữa nghề thêu với việc phát triển du lịch ở địa phương khi đã chủ động tìm kiếm, hợp tác với các công ty du lịch trên Hà Nội để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thêu, cũng như đưa khách du lịch ghé thăm và trải nghiệm với công việc của các cô bác tại làng nghề.

Rất nhiều đoàn khách du lịch đã ghé thăm và tham gia lớp học thêu của cô Lâm và bày tỏ sự thích thú vủa mình với trải nghiệm thú vị này. Từ người đến cho đến trẻ em đều vô cùng vui vẻ khi tham gia hoạt động này.

Hiện tại, cô Lâm đang tạo việc làm cho hàng chục các cô bác phụ nữ trung niên trong làng, sản phẩm thêu của các cô làm ra được bán đến các thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, cô Lâm tiếp tục duy trì công việc đón tiếp các đoàn khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm như một cách quảng bá về nghề thêu truyền thống của Việt Nam.

Cô Lâm kể chuyện về những bức tranh thêu ở Nếp House

Dự án Nếp House homestay tọa lạc ở rất gần nhà riêng cũng như lớp dạy thêu của cô Lâm, chính vì vậy mà chủ nhà Nếp House có thể dễ dàng kết nối và hợp tác với cô Lâm trong việc sản xuất những bức tranh thêu thủ công để trang trí cho homestay đồng thời đưa khách du lịch khi đến nghỉ chân tại Nếp House sẽ có cơ hội trải nghiệm nghề thêu truyền thống đầy thú vị tại lớp học của cô Lâm.

Cô Lâm bày tỏ rằng cô rất vui khi nhận dự án tranh thêu Nếp House, nữ nghệ nhân luôn muốn được làm hết sức mình để thể hiện rõ nét nhất cái hồn của mỗi một tác phẩm mình làm ra, tâm huyết trong từng đường kim mũi chỉ để có thể truyền tải vẻ đẹp của bức tranh tới những du khách. 

Sự tâm huyết đó được thể hiện trong từng công đoạn từ chuẩn bị dụng cụ, vật liệu, chất liệu thêu cho đến quá trình sản xuất. Quá trình tạo ra một bức tranh thêu hoàn chỉnh tại Nếp House bắt đầu từ công đoạn lên ý tưởng. Cô Lâm đã thảo luận với chủ nhà Nếp House để hiểu rõ yêu cầu, phong cách và câu chuyện mà homestay muốn truyền tải tới khách hàng. Đây cũng là công đoạn mà cô Lâm phải nghiên cứu và sáng tạo để có phương án thích hợp tạo ra sản phẩm.

Tiếp theo, cô Lâm vẽ mẫu lên giấy (thường là giấy nến) và chuyển mẫu vẽ từ giấy sang vải thêu để tạo ra một bản mẫu thêu chi tiết và chính xác, công đoạn này cô Lâm gọi là châm kiểu. 

Công đoạn tiếp theo trong quy trình làm tranh thêu tay là lựa chọn và phối màu chỉ thêu. Cô Lâm chia sẻ đây là công đoạn khó và phức tạp nhất, đòi hỏi người nghệ nhân có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm.

Để có bức tranh đẹp đòi hỏi dùng tới rất nhiều loại chỉ với màu sắc, kích thước to nhỏ, chất liệu chỉ khác nhau. Việc lựa chọn chỉ và phối màu cũng là một nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và cảm nhận màu sắc, tư duy thẩm mỹ, kinh nghiệm và cả đôi mắt tinh tế của những người nghệ nhân thêu. 

Sau khi hoàn thành công đoạn thêu tranh, bức tranh sẽ được kiểm tra cẩn thận, cắt bỏ những sợi chỉ thừa, sửa chữa lỗi và tháo ra khỏi khung thêu. Tiếp theo, cô Lâm mang những bức tranh thêu đi giặt là và phơi khô. Cô Lâm lựa chọn thực hiện việc giặt là bằng sữa tắm và phơi khô tự nhiên để đảm bảo không ảnh hưởng đến màu sắc của chỉ và vải sẽ mềm hơn. Cuối cùng, những bức tranh thêu được đóng khung và sẵn sàng trưng bày tại Nếp House.

Buổi gặp gỡ và trò chuyện với cô Lâm diễn ra vô cùng thoải mái. Nữ nghệ nhân không thể che giấu đôi mắt rực sáng khi được kể chuyện và chia sẻ niềm đam mê, yêu nghề của mình tới nhiều người hơn. Khi được hỏi về tác phẩm ấn tượng nhất khi thêu những bức tranh của Nếp House, cô Lâm đã không ngần ngại lựa chọn bức tranh thêu bông lúa, bởi đây là bức tranh mà cô dành nhiều thời gian nhất để nghiên cứu và sáng tạo. Chưa có nhiều người làm nghề trong địa phương từng thêu tranh bông lúa, vì vậy bức tranh thêu bông lúa cũng là ý tưởng mà cô Lâm tâm đắc nhất bởi sự hiếm có khó tìm của nó.

Bức tranh thêu bông lứa mà cô Lâm vô cùng tâm đắc

Hy vọng thông qua bài viết này bạn sẽ hiểu thêm về quy trình tạo ra bức tranh thêu truyền thống, yêu thêm nét đẹp của một nghề thủ công, thêm trân trọng những tác phẩm thêu tay thủ công và trân quý cả những người nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài thêu lên những tác phẩm ấy, những người đóng góp một phần không nhỏ vào việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống của đất nước đồng thời quảng bá rộng rãi tới bè bạn năm châu. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Về chúng tôi

Home
Lịch sử gia viễn
Cảng quan
Các hoạt đông của nếp house
Ẩm thực
Dã ngoại
Blog
Liên hệ

Thông tin liên hệ

Làng Lãng Vân, thôn Lãng Nội, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Email:  nephappyflow@gmail.com

gọi điện để đặt chỗ

Đừng bỏ lỡ cập nhật mới nhất của chúng tôi
Copyright © 2023 Nephouse Designed by Innocom